Huyện Bát Xát có tổng diện tích trồng Lê Tai Nung gần 170 ha tập trung chủ yếu ở xã Nậm Pung. Do Lê Tai Nung ở Bát Xát được nhà nước hỗ trợ giống và được hướng dẫn hỗ trợ canh tác nên quả ở đây to, lõi nhỏ, hương vị thơm dịu, nhiều nước, ăn có vị ngọt mát. Từ lâu, thứ quả ngọt này đã trở thành đặc sản đặc trưng nơi miền biên cương đầy nắng gió với mùa xuân hoa lê nở trắng rừng, mùa hạ trái chín nặng trĩu cành như mời gọi. Ghé thăm Bát Xát dịp này, bạn sẽ được “no con mắt” với giống lê lai mới này, khắp nơi vườn lê chín bạt ngàn, thoang thoảng mùi thơm nhè nhẹ.

Lê Tai Nung – Bát Xát – Lào Cai

Ở ngoài chợ cũng bày bán rất nhiều lê, tuy nhiên việc được tự tay hái những quả lê tươi ngon để thưởng thức mang cho mình những cảm xúc rất vui, thú vị. Lần đầu tiên được dạo chơi giữa vườn lê bạt ngàn với những chùm trĩu quả, các du khách liên tục ồ lên kinh ngạc và vui thích.

Lê được bày bán dọc đường lên Nậm Pung, Bát Xát, Lào Cai

Du khách đến vườn không chỉ đến để thưởng thức những quả chín thơm ngon, mà còn tranh thủ chụp ảnh check-in, lưu lại những khoảnh khắc đẹp giữa vườn lê. Những cây lê chín mọng dưới nắng vàng tạo nên khung cảnh lãng mạn, nhiều du khách đã thuê thêm trang phục truyền thống của người Dao, Hà Nhì để ghi lại những khoảnh khắc đẹp với thiên nhiên Bát Xát.

Du khách đến tham quan, trải nghiệm hái lê

Du lịch trải nghiệm nông nghiệp an toàn, gần gũi với thiên nhiên đang trở thành xu hướng được nhiều du khách lựa chọn. Trải nghiệm thu hoạch Lê Tai Nung tại xã Nậm Pung – Bát Xát hiện là sản phẩm du lịch mới, đặc trưng, định hướng phát triển du lịch bền vững theo hướng bảo tồn bản sắc văn hóa gắn với phát triển sản xuất nông nghiệp, sinh thái ở huyện Bát Xát tỉnh Lào Cai.